Rau xanh, quả mọng, các loại hạt, cá béo giàu vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp gan tăng cường sức khỏe.
Gan có vai trò quan trọng trong cơ thể, đào thải độc tố ra khỏi máu, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, lưu trữ vitamin cho cơ thể. Gan là cơ quan duy nhất có thể tự tái tạo.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Thùy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường rau xanh, trái cây, đạm ít chất béo... góp phần giúp gan khỏe mạnh. Một số món ăn, đồ uống dưới đây hỗ trợ ngăn ngừa bệnh về gan.
Cà phê chứa caffeine, vitamin và khoáng chất có lợi như vitamin B12, B5, B3, mangan, kali, magie, có tác dụng chống oxy hóa. Uống một tách cà phê vào buổi sáng để khởi đầu ngày mới tỉnh táo, bớt căng thẳng.
Caffein có thể tác động tích cực đến người mắc bệnh gan mạn tính, giảm nguy cơ ung thư gan. Hai hóa chất trong cà phê là kahweol và cafestol hỗ trợ phòng ngừa ung thư.
Caffeine được tiêu hóa trong cơ thể tạo ra chất hóa học là paraxanthine, có khả năng làm chậm sự phát triển của mô sẹo liên quan đến xơ hóa. Người thích uống cà phê nên sử dụng tối đa ba cốc mỗi ngày, không nên tiêu thụ quá mức caffeine vì có thể gây ra những tác dụng phụ như mất ngủ, tăng nhịp tim, buồn nôn và đau dạ dày. Uống cà phê đen nguyên chất và hạn chế thêm các chất tạo ngọt như đường, sữa vào cà phê.
Trà gồm trà xanh, trà đen giàu chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích cho gan. Hợp chất chống oxy hóa góp phần giảm viêm nhiễm, cải thiện chức năng gan.
Dầu ô liu rất giàu vitamin E và chất chống oxy hóa, tốt cho gan. Dầu ô liu làm tăng lượng cholesterol tốt, có tác dụng bảo vệ gan chống lại bệnh gan nhiễm mỡ và có lợi cho tim mạch.
Quả mọng như dâu tây, nho giàu vitamin và khoáng chất như A, B2, B6, C, E, K, K1, folate, mangan, sắt, đồng, selen, kali, cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Chất chống oxy hóa trong các loại quả này hỗ trợ giảm viêm, cải thiện sức khỏe gan.
Yến mạch có hàm lượng chất xơ hòa tan beta glucan dồi dào giúp hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi, góp phần phòng ngừa táo bón, viêm nhiễm và béo phì, có lợi cho người bệnh gan mạn tính. Thực phẩm giàu chất xơ lành mạnh như yến mạch cần được bổ sung vào thực đơn ăn uống của người bệnh gan.
Thịt gà: Chức năng quan trọng của gan là chuyển hóa protein, lipid... cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Trong khi đó, thịt gà giàu protein lành mạnh, giúp bổ sung dinh dưỡng, năng lượng cho người bệnh, góp phần giảm các triệu chứng mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa.
Quả hạch bao gồm hạt bí ngô, hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt mắc ca, nhiều dưỡng chất, hàm lượng protein cao, nhiều cholesterol tốt, có lợi cho sức khỏe. Hàm lượng vitamin E dồi dào trong các loại hạt này hữu ích với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Rau xanh nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất. Vitamin K trong rau xanh là dưỡng chất quan trọng cung cấp nguyên liệu để gan tổng hợp, kiểm soát sự hình thành cục máu đông trong cơ thể. Rau xanh còn có glutathione - chất chống oxy hóa lành mạnh rất tốt cho gan. Một số loại rau nên ăn thường xuyên như rau chân vịt, cải xoăn, bông cải xanh, rau diếp, mồng tơi.
Cá béo bao gồm cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá thu chứa hàm lượng lớn axit béo omega-3, hỗ trợ giảm lượng chất béo trong gan, giảm viêm, cải thiện gan nhiễm mỡ.
Một số thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật tốt cho gan khác như đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu hũ, hạt óc chó, hạnh nhân, macca.
Bác sĩ Thùy cho biết bên cạnh ăn uống, sinh hoạt, vận động khoa học, tránh thức khuya, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát, phát hiện sớm các bệnh về gan để điều trị hiệu quả.
Nguồn: Vnexpress.net