Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa (tạo sẹo) ở gan. Ba tác nhân gây bệnh phổ biến gồm viêm gan siêu vi B và C, rượu bia, gan nhiễm mỡ.
Các mô sẹo, xơ hóa ở gan cản trở dòng chảy của máu, làm suy giảm chức năng của gan. Quá trình xử lý, sản xuất các chất dinh dưỡng, hormone, thuốc và các độc tố trong gan gián đoạn.
BSCKI Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện chưa có thuốc đặc trị để điều trị dứt điểm và phục hồi gan xơ hóa nặng hoặc xơ gan. Bảo vệ gan giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến cơ quan này, giảm nguy cơ xơ gan.
Hạn chế rượu bia
Rượu bia là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan mạn tính. Chất ethanol trong rượu bia vào cơ thể chuyển hóa từ chất không độc thành chất độc như acetaldehyde gây ung thư. Lạm dụng rượu bia trong thời gian dài khiến gan làm việc quá tải, không thể đào thải độc tố, sản sinh nhiều chất gây viêm như Leukotriene, Interleukin, TNF-α, TGF-β... làm tổn thương các tế bào gan, dẫn đến xơ hóa gan.
Bác sĩ Trung dẫn nghiên cứu cho thấy người sử dụng 500 ml rượu 40 độ trong khoảng một tuần có khả năng cao mắc viêm gan cấp tính. Uống liều lượng này liên tục trong 8 năm, nguy cơ xơ gan tăng khoảng 40%. 80% người uống rượu trên 5 năm có thể viêm gan, nguy cơ xơ gan, ung thư gan tăng tỷ lệ thuận với lượng rượu tiêu thụ.
Nữ giới chỉ nên sử dụng một đơn vị rượu và nam giới là hai đơn vị mỗi ngày. Một đơn vị chứa 14 g cồn, tương đương với 350 ml bia (độ cồn 5%), 141 ml rượu (độ cồn 12%), 40 ml rượu mạnh (độ cồn 40%). Tức là khoảng 3/4 lon bia, một ly rượu vang hoặc một ly nhỏ rượu mạnh.
Hạn chế chất béo
Chế độ ăn uống thừa chất béo là yếu tố dẫn đến các bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan không phải do rượu bia. Chất béo ứ đọng chủ yếu là triglyceride khiến tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, tình trạng mỡ bao phủ các tế bào gan làm chức năng gan suy giảm.
Để phòng ngừa thừa chất béo trong gan, nên cân đối thành phần dinh dưỡng, không tiêu thụ trên 25% chất béo trong tổng lượng calo dùng mỗi ngày. Ưu tiên chất béo lành mạnh từ thực vật, các loại hạt và cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi...) để duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức hợp lý.
Xét nghiệm, phòng ngừa viêm gan virus B, C
Theo bác sĩ Trung, viêm gan virus B và C là hai loại viêm gan virus nguy hiểm nhất trong các loại viêm gan virus. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện viêm gan virus B, C và điều trị sớm nếu có chỉ định giúp phòng ngừa bệnh tiến triển. Hiện đã có vaccine phòng ngừa viêm gan B, viêm gan C chưa có vaccine phòng ngừa nhưng đã có thuốc kháng virus điều trị hiệu quả.
Phòng ngừa xơ gan do ký sinh trùng
Nhiễm ký sinh trùng có thể gây tổn thương gan kéo dài, dẫn đến xơ hóa gan, xơ gan sau này. Các loại ký sinh trùng (sán) có thể chui vào đường mật gây viêm, dẫn đến xơ hóa hoặc làm giãn đường mật.
Nên ăn chín uống sôi, hạn chế đồ ăn sống, rửa tay thường xuyên, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, xổ giun định kỳ 6 tháng một lần để phòng ngừa sán lá gan.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Thói quen tự mua thuốc, thay đổi liều dùng thuốc không tốt cho gan. Theo bác sĩ Trung, một số loại thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến gan như thuốc kháng khuẩn, thuốc chống lao, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị mỡ máu, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc trị cao huyết áp, thuốc hormone sinh dục nữ, thuốc hormone sinh dục nam.
Bác sĩ Trung khuyến cáo tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng gan mỗi năm một lần. Người có nguy cơ cao, mắc bệnh gan mạn, thường xuyên uống bia, rượu, thuốc lá... nên kiểm tra gan định kỳ ba hoặc sáu tháng một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.