Người bị viêm loét đại tràng nên ăn thực phẩm lên men, trứng, cá hồi và cần tránh cà phê, sữa, thịt mỡ, thực phẩm cay nóng, nhiều chất xơ.
Tiêu thụ hoặc tránh một số loại thực phẩm có thể giảm bùng phát triệu chứng và kiểm soát tình trạng viêm loét đại tràng. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn và cần tránh khi bị viêm loét đại tràng, theo Medical News Today.
Thực phẩm nên ăn
Với người viêm loét đại tràng, một số thức ăn có thể khó tiêu hóa trong thời gian bùng phát triệu chứng. Người bệnh vẫn nên ăn nhiều thực phẩm để đủ dinh dưỡng. Sau đây là một số thực phẩm người bệnh nên tiêu thụ.
Táo: Là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, hàm lượng chất xơ và đường fructose cao trong táo có thể khiến bạn khó tiêu hóa. Do đó, nếu đang trong thời kỳ bùng phát bệnh thì bạn nên hạn chế.
Bí: Chứa nhiều nước dễ tiêu hóa cho người viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, bí cũng chứa nhiều chất xơ, có thể gây khó chịu trong thời gian bùng phát bệnh.
Quả bơ: Giàu chất dinh dưỡng và chất béo có lợi cho sức khỏe người bệnh.
Thực phẩm lên men: Các lợi khuẩn trong thực phẩm lên men (sữa chua, các loại dưa muối) hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Sử dụng thực phẩm lên men thường xuyên có thể giúp giảm các đợt bùng phát bệnh.
Ngũ cốc tinh chế: Thay vì chọn ngũ cốc nguyên hạt người bệnh nên chọn ngũ cốc tinh chế như bột yến mạch, mì ống, bánh mì để dễ tiêu hóa hơn. Loại ngũ cốc này cũng cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin tốt cho tiêu hóa.
Trứng, cá hồi: Các thực phẩm này rất giàu axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa.
Nước: Người viêm loét đại tràng có thể bị tiêu chảy, cần uống nhiều nước để bù mất nước.
Thực phẩm nên tránh
Chế độ ăn kiêng ở từng người khác nhau do sự phản ứng không giống nhau với từng loại thực phẩm. Tuy nhiên, bệnh viêm loét đại tràng cần tránh các thực phẩm sau để tình trạng bệnh không nặng thêm.
Caffeine: theo nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ), caffeine làm cho các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng tồi tệ hơn. Người bệnh nên tránh những thực phẩm có chứa caffine như cà phê, trà, soda và chocolate.
Rượu và rượu ngọt: Có thể khiến đầy hơi và tiêu chảy ở người viêm loét đại tràng.
Đồ uống có ga: Quá trình cacbonat hóa có thể khiến kích ứng đường tiêu hóa và đầy hơi. Nhiều đồ uống có ga chứa đường, caffeine hoặc chất làm ngọt nhân tạo cũng không tốt.
Sản phẩm từ bơ, sữa: Các sản phẩm này có thể gây ra các triệu chứng ở người bị viêm loét đại tràng. Những người không dung nạp lactose cũng nên tránh dùng sữa, vì có thể gặp phải các triệu chứng tương tự như viêm loét đại tràng.
Khoai tây: Chứa glycoalkaloids có thể phá vỡ tính toàn vẹn của màng tế bào của ruột. Người bị viêm loét đại tràng không nên ăn để tránh tình trạng viêm thêm trầm trọng.
Thực phẩm giàu chất xơ: Các loại đậu, hạt, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, bỏng ngô... gây sinh khí, đau bụng và tiêu chảy. Rau giàu chất xơ khó tiêu hóa trong thời gian bùng phát bệnh, khiến chướng bụng và đau quặn bụng. Các loại rau sinh khí như bắp cải và bông cải xanh người bệnh cũng nên tránh. Người bị viêm loét đại tràng nên tiêu thụ rau nấu chín kỹ, không ăn rau sống.
Thực phẩm có chứa lưu huỳnh: Khoáng chất này làm người bệnh tăng sản xuất khí dư thừa (xì hơi). Thực phẩm chứa lưu huỳnh như bia, rượu vang, đậu nành, đậu phộng, hạnh nhân, thịt chế biến sẵn.
Thực phẩm cay: Thức ăn cay nóng có thể gây tiêu chảy ở người bệnh, kích hoạt hoặc làm tăng thêm các cơn bùng phát triệu chứng ở người viêm loét đại tràng.
Thịt mỡ: Trong thời gian bùng phát bệnh, ruột có thể không hấp thụ hết chất béo từ thịt mỡ, làm cho các triệu chứng viêm loét đại tràng nặng hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn có chất nhũ hóa: Chất nhũ hóa (carboxymethylcellulose và polysorbate) có trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Tiêu thụ nhiều thịt đỏ, protein và thực phẩm giàu lưu huỳnh sẽ làm bệnh thêm tồi tệ hơn. Người viêm loét đại tràng không quản lý tốt bệnh sẽ tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Chế độ ăn uống phù hợp, giảm căng thẳng và giữ đủ nước giúp điều trị hiệu quả viêm loét đại tràng.
Nguồn: Vnexpress.net