12 Món Ăn Nhẹ Cho Người Viêm Loét Đại Tràng

Nội dung bài viết

 

Chuối, bánh quy giòn, sữa chua… là những món ăn nhẹ dễ tiêu hóa, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng.

Theo Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, thực phẩm cũng ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng. Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm giúp giảm hoặc không làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Dưới đây là 12 món ăn nhẹ mà người bệnh có thể đưa vào bữa ăn lành mạnh hàng ngày.

Chuối

Theo Medical News Today, một quả chuối là bữa ăn nhẹ nhanh chóng, đơn giản cho người bị tình trạng này. Bạn có thể xay và trộn chuối với sữa để có một ly sinh tố thơm ngon. Chuối có ít chất xơ tốt cho người vừa mới phẫu thuật hoặc đang trải qua cơn bùng phát triệu chứng viêm loét đại tràng.

Người mắc căn bệnh này thường có mức kali thấp hơn do mất kali qua nước tiểu. Ăn chuối giúp bổ sung lượng kali đã mất. Một quả chuối 126 g chứa 451 mg kali. Đặc tính chống viêm của kali trong chuối cũng làm giảm bớt các triệu chứng của căn bệnh này.

Chuối chứa nhiều kali làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng. Ảnh: Freepik.

Chuối chứa nhiều kali làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng. Ảnh: Freepik.

Bột yến mạch

Bột yến mạch là món ăn nhẹ dễ làm và nhanh cho người bệnh. Bạn nên kết hợp nửa cốc bột yến mạch nấu chín với một cốc sữa đậu nành không đường hoặc hạnh nhân để tăng cường canxi. Mọi người có thể trộn bột yến mạch với một lượng nhỏ quế hoặc sốt táo để tăng thêm hương vị.

Bánh quy giòn với phô mai

Bánh quy giòn dễ tiêu hóa, bạn có thể kết hợp bánh quy với phô mai để có một món ăn nhẹ. Phô mai và bánh quy giòn cung cấp carbohydrate đơn giản, calo, vitamin D, protein và canxi. Người bệnh nên chọn phô mai cứng thay vì loại mềm vì chứa ít đường hơn.

Đậu gà rang

Đậu gà rang cung cấp chất xơ và protein nạc, dễ chế biến. Chất xơ hòa tan trong đậu gà rang cũng rất hữu ích trong việc hình thành phân. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị tiêu chảy hoặc bùng phát triệu chứng viêm loét đại tràng nên tránh chất xơ hòa tan.

Khoai tây chiên với sốt đậu gà nghiền

Mặc dù có nhiều chất xơ nhưng khoai tây chiên và sốt đậu gà nghiền là món ăn nhẹ thường được dung nạp tốt. Đậu gà nghiền giúp giảm các triệu chứng như đầy hơi hoặc chướng bụng. Bữa ăn nhẹ điển hình cho bệnh viêm loét đại tràng thường là 1/4 cốc sốt đậu gà nghiền với khoảng 60 g khoai tây chiên.

Khoai tây nướng

Một củ khoai tây nướng cũng trở thành một món ăn nhẹ đơn giản. Bạn có thể phủ lên khoai tây nướng với một ít pho mai cắt nhỏ, pho mát không sữa hoặc các loại gia vị ít muối khác để tăng thêm hương vị, canxi và protein. Các nhà nghiên cứu Mexico đã liệt kê khoai tây nướng (đã bỏ vỏ) là thực phẩm không có khả năng làm bùng phát các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng.

Bánh mì nướng bơ

Trái bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất béo lành mạnh, bổ sung thêm calo cho người bệnh. Để có món ăn nhẹ, bạn có thể nướng bánh mì phết thịt bơ nghiền nhuyễn. Ngũ cốc nguyên hạt thường khó tiêu hóa hơn với người bị viêm loét đại tràng, do đó nên chọn bánh mì trắng khi làm món ăn này.

Bánh mì bơ đậu phộng

Bơ đậu phộng thường tiêu hóa tốt và là nguồn cung cấp protein dồi dào. Khi làm món bánh mì bơ đậu phộng, bạn nên chọn bánh mì trắng hoặc bánh mì khoai tây, cả hai đều ít chất xơ hơn bánh mì ngũ cốc nguyên hạt.

Salad dưa

Người bị viêm loét đại tràng có thể làm món salad ăn nhẹ từ nhiều loại dưa như dưa hấu, dưa vàng, dưa lưới... Bởi các loại dưa thường được dung nạp tốt hơn với bệnh này. Bạn có thể dùng phần cùi sau khi đã ăn hết phần thịt, gọi vỏ để trộn salad.

Trứng luộc

Hiệp hội Nghiên cứu đường ruột Canada khuyên người bị viêm loét đại tràng nên ăn trứng vì người mắc bệnh này dung nạp trứng tốt hơn các nguồn protein khác. Trứng chứa nhiều axit amin và axit béo omega-3, người bệnh có thể ăn trứng luộc cho bữa ăn nhẹ nhanh mỗi ngày hoặc thêm vào các món salad.

Trứng chứa nhiều axit amin và axit béo omega-3 tốt cho người viêm loét đại tràng. Ảnh: Freepik.

Trứng chứa nhiều axit amin và axit béo omega-3 tốt cho người viêm loét đại tràng. Ảnh: Freepik.

Sữa chua

Sữa chua giống như men vi sinh chứa nhiều lợi khuẩn giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng. Bạn có thể ăn sữa chua như món ăn nhẹ hoặc thêm vào chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, các men vi sinh khác có thể gây ra sương mù não, đầy hơi. Người bị viêm loét đại tràng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các men vi sinh.

Trà xanh

Bệnh viêm loét đại tràng thường gây ra tiêu chảy, dễ mất nước. Uống trà xanh có thể bù lại lượng nước đã mất. Theo nghiên cứu của Mexico, các polyphenol trong trà xanh có lợi trong điều trị các triệu chứng của bệnh này.

Tổ chức Bệnh Crohn và Viêm ruột kết Mỹ khuyến nghị, người bệnh viêm loét đại tràng nên tránh các thực phẩm không dung nạp tốt, khó tiêu hóa. Đó là thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan (quả hạch, ngũ cốc, rau sống, trái cây và củ có vỏ, hạt), thực phẩm giàu chất béo (bơ, bơ thực vật, đồ chiên), thực phẩm nhiều đường, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng, sữa, kem, phô mát mềm...

Nguồn: Vnexpress.net