Nước ép lựu, táo, gừng đều chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm loét ở đại tràng.
Nước ép quả lựu giàu vitamin và khoáng chất. Theo phân tích công bố năm 2017 của Trường Đại học Bologna (Italy), dựa trên 55 nghiên cứu, hợp chất thực vật trong quả lựu tên là ellagitannin có đặc tính giảm viêm loét đại tràng và các bệnh viêm nhiễm nói chung.
Nước ép táo có lợi cho người bệnh viêm loét đại tràng hoặc các bệnh đường ruột khác. Vì táo rất giàu hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, procyanidins oligomeric, dihydrochalcones và axit hydroxycinnamic có tác dụng chống viêm.
Trái cây này chứa nhiều vitamin C và chất xơ hòa tan có thể giảm một số triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng.
Nước ép gừng giúp làm rỗng và xoa dịu cảm giác no quá mức hoặc khó chịu ở dạ dày. Nước ép này có thể khó uống với một số người, có thể thêm một ít củ gừng tươi cắt nhỏ hoặc bột gừng vào nước, uống mỗi lần một ít.
Nước ép nghệ chứa chất curcumin có thể chống lại tình trạng viêm trong cơ thể. Theo đánh giá công bố năm 2021 của Trường Đại học Marília (Brazil), dựa trên 5 nghiên cứu, curcumin trong nghệ có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, hỗ trợ điều trị bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
Nước ép cỏ lúa mì có vị đậm, mùi cỏ đặc trưng, đặc tính chống viêm mạnh. Đánh giá về các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế cho bệnh viêm ruột, năm 2014, của Trường Đại học Duisburg-Essen (Đức) và một số đơn vị, cho thấy tiêu thụ nước ép cỏ lúa mì trong 4 tuần giảm chảy máu trực tràng và đau bụng ở người viêm loét đại tràng.
Nguồn: Vnexpress.net