Người bị viêm loét đại tràng nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh các món nhiều dầu mỡ và thịt chế biến sẵn để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Viêm loét đại tràng xuất phát từ tình trạng viêm niêm mạc đại tràng. Người bệnh nên dùng thuốc theo toa và tránh một số thực phẩm để giảm triệu chứng.
Ăn nhiều bữa nhỏ
Người bệnh viêm loét đại tràng ăn bữa lớn tạo áp lực lên ruột có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Người bệnh nên chia nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày.
Người bị chán ăn, buồn nôn, ăn nhiều bữa làm giảm buồn nôn và giúp bù thức ăn bị mất do nôn. Những bữa ăn nhỏ cũng cần cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể để tránh giảm cân hoặc suy dinh dưỡng.
Thực phẩm nên ăn trong thời gian bùng phát bệnh như chuối, bánh mì trắng hoặc bánh mì bột chua, gạo trắng, ngũ cốc, nước trái cây, phô mai (nếu không dung nạp lactose), bơ động phộng, rau nấu chín, khoai tây.
Tránh món nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn
Đánh giá năm 2019 của Trường Đại học Texas, Mỹ, dựa trên 96 nghiên cứu, cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán có khả năng gây viêm và nguy cơ viêm loét đại tràng cao hơn.
Ngược lại, người ăn nhiều axit béo omega-3 giảm viêm loét đại tràng và có nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa thấp hơn. Axit béo omega-3 làm giảm viêm ruột, duy trì đường ruột khỏe mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành.
Người bị viêm loét đại tràng và bệnh Crohn nên hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thay vào đó có thể áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải lành mạnh. Chế độ ăn này gồm nhiều rau củ quả tươi, cá, thịt gia cầm không da, dầu ô liu, đậu, hạt, không thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
Tiêu thụ chất xơ
Chất xơ hòa tan làm chậm quá trình tiêu hóa, có khả năng hút nước, giúp loại bỏ chất lỏng thừa trong ruột, nhờ đó giảm tiêu chảy. Các loại rau củ quả giàu chất xơ hòa tan như táo, cam, lê, dâu tây, việt quất, bơ, khoai lang, cà rốt...
Người bị táo bón nên ăn nhiều chất xơ không hòa tan, vì chất này có thể đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, giảm triệu chứng này. Người đã phẫu thuật cắt bỏ xương, vừa mới phẫu thuật hoặc bị hẹp ruột, đang bùng phát bệnh nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ.
Khám bệnh
Người bệnh được bác sĩ tư vấn thực phẩm phù hợp và đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhất là trong thời kỳ bùng phát triệu chứng. Người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định, đúng liều và đủ lịch để điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Nguồn: Vnexpress.net