Viêm nhiễm trong đại tràng dễ tái phát do ăn uống, lối sống thiếu lành mạnh, người bệnh nên uống đủ nước, hạn chế đồ ngọt và nhiều chất béo, tránh rượu bia.
Viêm niêm mạc đại tràng xảy ra do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Thiếu máu hoặc tổn thương đại tràng không rõ nguyên nhân cũng dễ dẫn đến viêm. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tùy vào nguyên nhân, triệu chứng bệnh thường khác nhau.
Viêm đại tràng cấp tính làm đau quặn thắt bụng dưới, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, phân có thể lẫn máu, chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ. Viêm mạn tính gây đau bụng kéo dài ở phần đại tràng trái, hai hố chậu, cơn đau giảm dần sau đại tiện. Người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy, phân lẫn máu hoặc nhầy, suy nhược, sụt cân.
Hiện, viêm đại tràng vẫn chưa có cách chữa dứt điểm, phương pháp điều trị nhằm kiểm soát bệnh, giảm triệu chứng.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh viêm đại tràng dễ tái phát do thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt thiếu khoa học. Dưới đây là một số cách phòng ngừa triệu chứng bùng phát.
Uống đủ nước: Bổ sung nước giúp mềm phân, giảm táo bón, tăng khả năng phục hồi, hạn chế kích hoạt triệu chứng bệnh.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người bệnh nên hạn chế thực phẩm chứa đường lactose như sữa, bơ, phô mai. Tránh ăn đồ ngọt, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn tái sống, cay nóng, giàu chất béo. Bỏ rượu bia, thuốc lá, đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê, soda...
Thực phẩm cần tránh loại giàu chất xơ khó tiêu hóa, tăng sinh khí dễ gây đau chướng bụng, tiêu chảy; trái cây mận, lê, đào chứa rượu đường mannitol, sorbitol khó hấp thụ. Người bệnh nên ăn ngũ cốc tinh chế như bột yến mạch, bánh mì, mì ống, trái cây chứa ít chất xơ như chuối, dưa hấu.
Chia nhỏ bữa ăn: Chia bữa ăn thành 5 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ba bữa chính giảm gánh nặng cho đại tràng, giúp thức ăn dễ tiêu hóa, cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt. Hạn chế ăn quá no vào bữa tối.
Tập thể dục: Hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, điều hòa nhu động ruột tốt hơn khi vận động thường xuyên. Mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần một tuần với bài tập nhẹ như đi bộ, bơi, đạp xe...
Kiểm soát căng thẳng: Theo bác sĩ Khanh, 95% hormone serotonin có vai trò kiểm soát tâm trạng nằm trong hệ tiêu hóa. Serotonin được hệ thần kinh ruột sử dụng để tương tác với hệ thần kinh trung ương khi thức ăn được nạp vào cơ thể. Căng thẳng làm tín hiệu từ hệ thần kinh - ruột gián đoạn, rối loạn, gây co thắt mạnh ở đại tràng, kích hoạt triệu chứng viêm đại tràng.
Căng thẳng ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc, ăn uống không lành mạnh là yếu tố khiến viêm tiến triển nặng, tăng nguy cơ tái phát. Giữ tinh thần thoải mái, giải tỏa stress bằng cách chơi thể thao, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, đi dạo, tập thiền hoặc yoga.
Không tự ý sử dụng thuốc: Triệu chứng viêm đại tràng thường xuất hiện rồi biến mất, khiến người bệnh chủ quan, tự ý bớt liều hoặc dừng thuốc. Thói quen này khiến kiểm soát, điều trị bệnh gặp khó khăn.
Bác sĩ Khanh cho biết, lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen có thể gây viêm, loét đại tràng hoặc làm kích hoạt tình trạng viêm. Người bệnh thận trọng khi dùng thuốc giảm đau xương khớp, thuốc kháng sinh, thuốc không kê đơn. Nên tuân thủ đúng phác đồ điều trị gồm uống thuốc đúng liều, tái khám đúng hẹn.
Viêm đại tràng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rò ruột, áp xe đại trực tràng, thủng ruột, phình đại tràng nhiễm độc. Viêm kéo dài có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư ruột.
Nguồn: Vnexpress.net