Căng thẳng, lo lắng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, tạo cảm giác bồn chồn trong dạ dày, đau thắt đường ruột.
Chứng đau dạ dày do căng thẳng hay còn gọi là chứng đau dạ dày thần kinh. Nếu bạn nhận thấy thường xuyên bị đau vùng bụng trước một sự kiện quan trọng, trước buổi gặp gỡ khách hàng hay vừa trải nghiệm một điều gì mới thì có thể đang mắc bệnh lý này. Khi bạn điều chỉnh nếp sinh hoạt, đau dạ dày do căng thẳng thường có thể khỏi và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp và cách xử trí khi gặp phải triệu chứng tiêu hóa này.
Theo các nhà nghiên cứu Đại học Chicago (Mỹ), não bộ và ruột có kết nối chặt chẽ. Do đó, người bị căng thẳng, thường xuyên lo lắng thường bị ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, gây ra chứng đau dạ dày thần kinh. Một số triệu chứng thường gặp là cảm giác bồn chồn trong dạ dày, cảm thấy đau thắt đường ruột. Một số người cũng có thể cảm thấy đau bụng, khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi. Co thắt vùng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn hoặc chán ăn cũng có thể xảy ra.
Về nguyên nhân, bên cạnh yếu tố cảm xúc, các chứng rối loạn tiêu hóa sẵn có cũng là nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng cho sức khỏe của người bệnh. Người bị hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột cũng dễ bị stress, lo lắng, trầm cảm... so với người có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Sinh hoạt thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố gây căng thẳng cho dây thần kinh dạ dày. Khi căng thẳng, hệ tiêu hóa ngưng trệ do hệ thống thần kinh trung ương bị tắt lưu lượng máu. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của các cơ hệ tiêu hóa, giảm tiết dịch dạ dày khiến bạn dễ bị bệnh dạ dày hơn. Người hay đối mặt với căng thẳng, có thói quen hút thuốc, uống rượu bia, uống nhiều thức uống có caffeine cũng thường bị loét dạ dày.
Bệnh nhân đang điều trị các bệnh mạn tính như bệnh lý về gan, viêm khớp dạng thấp, điều trị ung thư... cũng thường phải đối mặt với tình trạng này. Một số thành phần của thuốc cũng có thể tăng kích ứng hoặc tăng căng thẳng cho dạ dày.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, Hiệp hội phòng Lo âu và Trầm cảm Mỹ khuyến nghị người bị đau dạ dày do căng thẳng áp dụng một số phương pháp cải thiện sau:
Khi thỉnh thoảng gặp phải triệu chứng: Bệnh nhân có thể tự khắc phục bằng thuốc và thay đổi lối sống. Nên nghỉ giải lao ngắn thường xuyên hơn trong ngày, tập thở chậm và sâu, tập thể dục hàng ngày hoặc tập thiền định... Nhai kỹ khi ăn, tránh vận động nặng ngay sau khi ăn, không nên ăn quá cay và sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ giúp bệnh dần khỏi.
Khi thường xuyên đau dạ dày thần kinh: Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ. Một số liệu pháp phổ biến sẽ được áp dụng như "chống trầm cảm" cho hệ tiêu hóa bằng liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức. Bệnh nhân được tham gia trị liệu giúp giảm căng thẳng và học cách đối phó với lo lắng.
Đối với bệnh lý gây ra bởi tác dụng phụ của thuốc: Khi bạn nhận thấy bị ảnh hưởng bởi một số thành phần của thuốc như giảm cân không rõ nguyên nhân, đi đại tiện có máu hoặc phân đen... thì nên thăm khám bác sĩ.
Bệnh dạ dày thần kinh có thể góp phần gây ra các bệnh khác trong tương lai nếu không được điều trị. Nếu bị một số vấn đề gây khó chịu trong sinh hoạt thường nhật (như ợ nóng, nôn mửa), bạn nên thăm khám bác sĩ, thay đổi nếp sinh hoạt. Người có tiền sử gia đình bị rối loạn tiêu hóa, tiểu đường hoặc ung thư dạ dày, đại trực tràng cũng nên lưu ý ăn uống đúng bữa, sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các nguồn thực phẩm và thói quen gây hại cho hệ tiêu hóa.
Nguồn: Vnexpress.net