Thủ Phạm Gây Viêm Dạ Dày Cấp

Nội dung bài viết

 

Nhiễm vi sinh vật, rối loạn hệ miễn dịch, dị ứng thực phẩm, thiếu máu cục bộ, có thể gây đau do viêm dạ dày cấp.

Viêm dạ dày cấp là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm hoặc kích ứng đột ngột, gây đau dữ dội do phản ứng miễn dịch được kích hoạt, thu hút tế bào bạch cầu đến vị trí tổn thương. Viêm càng nặng, nguy cơ cao diễn tiến thành những vết loét, vùng xuất huyết nhỏ bên trong niêm mạc.

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm dạ dày cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở tuổi trung niên. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhiễm vi sinh vật như vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) xâm nhập và phát triển dẫn đến viêm bao tử cấp. Ngoài HP, các loại vi khuẩn, virus, nấm... khác cũng là tác nhân gây viêm dạ dày cấp nhưng tỷ lệ không đáng kể.

Phản ứng chống lại các yếu tố gây kích ứng của dạ dày như mật trào ngược vào dạ dày (thay vì di chuyển vào ruột non để hỗ trợ tiêu hóa), dùng đồ uống có cồn, lạm dụng thuốc chống viêm làm ức chế prostaglandin (chất bảo vệ niêm mạc dạ dày), có thể khiến nồng độ axit dạ dày tăng. Uống sắt bổ sung lúc bụng đói cũng có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm.

Bác sĩ Ngân khám cho người bệnh hồi tháng 12/2023. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Ngân khám cho người bệnh hồi tháng 12/2023. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh

Rối loạn hệ miễn dịch thường xảy ra ở hệ thống miễn dịch, làm ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc dạ dày. Về lâu dài, phản ứng này bào mòn dạ dày. Tình trạng này thường xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường type 1, Hashimoto (viêm tuyến giáp lympho), cơ thể thiếu hụt vitamin B12.

Vấn đề về mạch máu bao gồm các dị dạng ít gặp ở mạch hoặc biến chứng suy tim mạn tính có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu vận chuyển đến dạ dày, gây viêm.

Thiếu máu cục bộ do lạm dụng thuốc, mất nước nghiêm trọng, nhiễm trùng huyết, chấn thương, bỏng nặng... làm giảm lượng máu vận chuyển đến dạ dày, dẫn đến viêm cấp tính.

Dị ứng thực phẩm khiến lượng bạch cầu tăng cao, kích ứng và tổn thương niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày cấp.

Bác sĩ Ngân cho biết thêm một số biểu hiện phổ biến của bệnh như đau hay khó chịu ở dạ dày, ợ nóng, ăn mất ngon, buồn nôn, ói mửa hoặc nôn ra máu (xảy ra khi viêm dẫn đến rách hoặc hình thành vết loét sâu trong niêm mạc dạ dày). Triệu chứng giảm cân bất thường, sốt, cảm giác đầy bụng bất thường, cảm thấy no nhanh sau khi ăn, đi đại tiện phân đen cũng là dấu hiệu viêm dạ dày cấp.

Ăn chín uống sôi để phòng ngừa bệnh viêm dạ dày cấp. Ảnh: Freepik

Ăn chín uống sôi để phòng ngừa bệnh viêm dạ dày cấp. Ảnh: Freepik

Bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến loét hoặc xuất huyết dạ dày, tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhất là khi lớp niêm mạc quá mỏng.

Bác sĩ Ngân khuyến cáo mọi người rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm trùng, hạn chế rượu bia, không lạm dụng thuốc chống viêm.

Nguồn: Vnexpress.net